THỜI HIỆU KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

Hành chính và quản lý hành chính là một trong những lĩnh vực phức tạp trong quản lý nhà nước nên việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này cũng xuất hiện nhiều sai phạm. Vì vậy những tranh chấp trong lĩnh vực này cũng tồn tại liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó tranh chấp đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính không phải ai cũng nắm rõ được. Trong bài viết này xin giới thiệu độc giả về nội dung thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

1. Thời hiệu khởi kiện là gì?

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015) thì thời hiệu khởi kiện là “Thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”. Thời hiệu là thời gian do luật quy định, mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ. Vì vậy chủ thể có quyền phải chủ động yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm trong thời gian do pháp luật quy định. Hết thời hiệu khởi kiện chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm sẽ mất quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật, không được pháp luật bảo vệ; bên có nghĩa vụ không bị cưỡng chế bắt buộc thực hiện nghĩa vụ.

2. Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính

2.1. Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính

Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện như sau:

Điều 116:Thời hiệu khởi kiện.

1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:

a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

b) 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

3. Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:

a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

b) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và khbà Aó văn bản trả lời cho người khiếu nại.

4. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.

5. Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính.

Cách xác định thời hiệu cụ thể thông qua ví dụ

Ngày 30/5/2017 bà Vũ Thanh A nhận Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 29/5/2017 của UBND huyện B về việc thu hồi đất để thực hiện dự án. Sau khi nhận được thông tin thu hồi bà A cho rằng trong Quyết định thu hồi xác định sai diện tích thu hồi (nhỏ hơn so với diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bà A đã được cấp).

Trong trường hợp bà A không khiếu nại, thì thời hạn khởi kiện sẽ được tính là 01 năm kể từ ngày bà A biết đến Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 29/5/2017 của UBND huyện B. Theo ví dụ trên thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính sẽ được tính là 01 năm kể từ ngày 30/5/2017 đến hết ngày 30/5/2018.

Còn nếu bà A khiếu nại thì 1 năm không được tính từ ngày ông biết đến quyết định nữa, mà tính từ ngày bà A nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND huyện B lần 1 (nếu C khiếu nại 1 lần) hoặc từ ngày bà A nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 (nếu bà A khiếu nại lần 2). Trong trường hợp UBND huyện B không trả lời, thời hạn sẽ là 1 năm tính từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần 1 tối thiểu là 40 ngày, tối đa là 55 ngày (nếu chứng minh được đây là vụ việc phức tạp) (Theo điều 27,28 Luật Khiếu nại 2011). Sau 55 ngày ngày mà bà A chưa nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, kết thúc ngày thứ 55 này, bà A mới được phép nộp đơn khởi kiện lên Tòa án. Thời hạn được tính kể từ khi kết thúc ngay thứ 55 này.

Tuy nhiên, trong trường hợp bà A tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên chủ tịch UBND tỉnh, thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 tối thiểu là 55 ngày, và tối đa là 70 ngày theo quy định tại điều 36 và điều 37 Luật khiếu nại 2011. Sau 70 ngày mà bà A chưa nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND tỉnh, thì kết thúc ngày thứ 70 này, bà A mới có quyền nộp đơn khởi kiện lên Tòa án để giải quyết. Nếu hết thời hạn khiếu nại lần 1 mà bà A đã quyết định chọn khiếu nại lần 2 thì bà A không được khởi kiện ngay lập tức nữa, mà phải chờ giải quyết khiếu nại lần 2 xong thì ông mới được kiện. Thời hạn được tính từ khi kết thúc ngày thứ 70 này.

2.2 Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu cũng được áp dụng trong tố tụng hành chính.

2.2.1 Khôi phục thời hiệu

Theo quy định tại Điều 157, Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp:

+ Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

+ Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

+ Các bên đã tự hòa giải với nhau;

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra một trong các sự kiện trên.

2.2.2 Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện

Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Theo Điều 156, Bộ luật Dân sự 2015, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau:

Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan trong các trường hợp: Làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu; Là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;

Những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.

Leave a comment